Thương nhân Trung Quốc kêu gọi người dân mua hàng không bán được sang Mỹ

thương chiến trung mỹ

Nhiều tiểu thương Trung Quốc lên mạng xã hội Rednote, kêu gọi người dùng trong nước mua ủng hộ số hàng không thể bán sang Mỹ vì thuế cao.

Reuters cho biết một tuần qua, hàng chục người bán trên Rednote đã thực hiện các buổi livestream (phát sóng trực tiếp), giới thiệu sản phẩm vốn được sản xuất cho khách hàng Mỹ. Tuy nhiên, họ giờ không thể bán sang đây khi Tổng thống Donald Trump áp thuế lên tới 145% với hàng Trung Quốc. Mức thuế này tới chiều 16/4 đã lên mức 245%.

Trong một buổi livestream, tài khoản “Kho hàng thương mại quốc tế Dingding Cloud” rao bán các thiết bị gia dụng nhỏ như nồi cơm điện, máy ép trái cây và máy nướng bánh mỳ, kèm lời nhắn: “Mỹ đã phá hợp đồng. Chúng tôi không giao hàng nữa! Giảm giá toàn bộ 90%”.

Một video khác từ tài khoản “Muzi có hàng tốt” cho thấy người dẫn chương trình ngồi giữa các thùng hàng ghi “container trung chuyển thương mại”. Người này nói rằng kho của họ không còn chỗ chứa vì hàng hóa giờ không thể xuất đi Mỹ.

Một số người bán rao các sản phẩm như cốc của chuỗi cà phê Costa Coffee (Anh). Tuy nhiên, phần lớn là các thương hiệu ít được biết đến ở nước ngoài như OSTMARS và APLX – hiện được bán trên nền tảng Amazon.

Việc này diễn ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bán hàng trong nước. Chính phủ nhấn mạnh tiềm năng của thị trường nội địa trong việc thay thế thị trường Mỹ sau khi bị áp thuế mới.

Chuỗi siêu thị Freshippo (thuộc Alibaba) và nền tảng thương mại điện tử JD.com là hai trong số các nhà bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử tham gia chiến dịch thúc đẩy này. JD.com cho biết sẽ lập quỹ trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (27,35 tỷ USD) để hỗ trợ các hãng xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa trong một năm tới.

Ngày 16/4, tại Hội chợ Canton – hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc, một số doanh nghiệp cũng trả lời Reuters rằng thị trường Mỹ đang “đóng băng” đối với họ. Kobe Huang – nhân viên kinh doanh tại hãng sản xuất toilet thông minh Shenzhen Landun Environmental Technology cho biết hiện tại, doanh số tại thị trường châu Âu tăng lên, còn Mỹ thì đứng yên. “Khách hàng tại Mỹ chưa hủy đơn. Họ muốn chúng tôi chờ thêm. Và chúng tôi vẫn đang chờ”, anh nói.

Một số người trong ngành xuất khẩu thì tỏ ra nghi ngờ các buổi livestream trên Rednote, cho rằng đó chỉ là một hình thức marketing. Đại diện một hãng xuất khẩu Trung Quốc nói với Reuters rằng các doanh nghiệp thường có nhiều thị trường mục tiêu và họ sẽ chuyển hướng sang nơi khác nếu không thể bán hàng sang Mỹ.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng những buổi phát sóng trực tiếp này phù hợp với cách Trung Quốc phản ứng trước sức ép bên ngoài. Kể cả khi chỉ mang tính quảng cáo, hình thức này vẫn có thể hiệu quả.

“Người Trung Quốc có tâm lý rằng họ cần đoàn kết và chống lại thách thức từ Mỹ”, bà Ashley Dudarenok – nhà sáng lập công ty tư vấn Chozan – nhận định. Bà cho biết các từ khóa như “Trung Quốc có thể làm được” hay “cứu lấy nhà máy” đã xuất hiện sau làn sóng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Ở mức độ nào đó, chính sách thuế của ông Trump có thể làm tăng tiêu dùng tại Trung Quốc, bởi người dân có lý do để mua sắm nhiều hơn. Chuyện này giờ không chỉ là vấn đề cá nhân nữa”, bà kết luận.

Căng thẳng Mỹ – Trung Quốc vài tháng qua liên tiếp leo thang. Đến nay, tổng mức thuế nhập khẩu ông Trump công bố áp lên Bắc Kinh trong nhiệm kỳ 2 là 145%. Trong đó, riêng thuế đối ứng là 125%, có hiệu lực từ ngày 9/4. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Mỹ đã áp thuế 25% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ nước này.

Sau mỗi lần Washington công bố áp thuế, Bắc Kinh đều tung chính sách đáp trả, gồm áp thuế nhập khẩu, siết xuất khẩu nhiều kim loại quan trọng và đưa các doanh nghiệp Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin hoặc hạn chế xuất khẩu.

theo Reuters